Lãnh đạo bản thân trước khi lãnh đạo doanh nghiệp

“Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có khả năng tự lãnh đạo bản thân, đó cũng chính là một rủi ro về mặt dài hạn cho doanh nghiệp”, Ths Vân Hồ, Giám đốc Ngành hàng tại Novartis Pharma Việt Nam kiêm Lãnh đạo Novartis Pharma tại thị trường Lào và Campuchia nói trong cuộc trao đổi với Doanh Nhân về chủ đề này.

 

 

Lãnh đạo bản thân – nền tảng của lãnh đạo doanh nghiệp

Thưa bà, bản chất của việc lãnh đạo bản thân là gì?

Lãnh đạo bản thân là khả năng tự quản lý bản thân để đạt được những mục tiêu cụ thể. Đó cũng là cách mà mỗi người, thông qua các hành động có tính chủ đích, phát triển mình thành một lãnh đạo tốt hơn. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ, sự nghiệp và cuộc sống của bản thân người đó.

Việc lãnh đạo bản thân của một chủ doanh nghiệp có gì khác biệt so với lãnh đạo bản thân của một người bình thường?

Lãnh đạo bản thân có nhiều cấp độ khác nhau, về cơ bản sẽ có ba cấp độ chính. Cấp độ thấp nhất là một người không có khả năng lãnh đạo bản thân mình, tức là họ làm việc gì cũng phải có người khác nhắc nhở. Cấp độ thứ hai là một người có thể tự lãnh đạo được bản thân mình thông qua việc luôn tự giác và thực hiện việc mình cần phải làm. Cấp độ cao nhất là ngoài bản thân mình còn có thể lãnh đạo người khác và cả doanh nghiệp. Riêng với lãnh đạo doanh nghiệp, điều làm nên khác biệt cơ bản đó là đằng sau họ là cả đội ngũ nhân viên đông đảo, do đó, việc tự lãnh đạo bản thân của người lãnh đạo cũng sẽ trở thành tấm gương cho người khác noi theo, vì vậy, ý thức về những hành động của bản thân người đó đòi hỏi ở mức độ cao hơn so với người bình thường nhiều lần. Mỗi hành động của họ, dù nhỏ, vẫn có thể ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp.

Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc lãnh đạo bản thân của lãnh đạo doanh nghiệp? Tại sao điều đó lại quan trọng như vậy?

Lãnh đạo bản thân chính là nền tảng cơ bản đầu tiên của bất cứ hình thức lãnh đạo nào. Chính vì vậy, nếu không lãnh đạo tốt bản thân mình thì chắc chắn không thể lãnh đạo được doanh nghiệp. Một ví dụ rất đơn giản: một lãnh đạo mà lời nói không đi đôi với việc làm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhân viên, họ sẽ không còn tin tưởng vào những gì anh ta nói nữa.

Đâu là những yếu tố để một người lãnh đạo cần có để lãnh đạo bản thân?

Theo quan điểm của tôi, có hai điều cơ bản mà một người lãnh đạo cần phải lưu ý. Đầu tiên, đó là tính kỷ luật phải cao, nghĩa là, nói điều bạn làm và phải làm được điều bạn nói. Bạn cũng cần phải biết kiểm soát bản thân mình trong mọi hành động, kể cả những hành động có thể không ai nhìn thấy. Thứ hai, phải trở thành một người đáng tin cậy để có thể ảnh hưởng và dẫn dắt người khác đi theo mình.

Tuy nhiên, đòi hỏi tính kỷ luật, đôi khi với một người đã ở cấp độ lãnh đạo có lẽ không đơn giản lắm, bởi họ có nhiều việc phải làm. Họ cũng thường yêu cầu tính kỷ luật đối với đội ngũ bên dưới, còn kỷ luật với bản thân mình thì…? 

Đó là một thực tế, rất nhiều người khi làm lãnh đạo nghĩ mình là sếp và bằng lòng với mức độ thành công của mình rồi thì sẽ có xu hướng trở nên dễ dãi với bản thân. Tuy nhiên, nếu như vậy, hệ quả tất yếu là những người bên dưới sẽ không tâm phục khẩu phục và tất nhiên, việc thực thi kế hoạch khi không có tính đồng thuận sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra. Đôi khi chỉ là những việc rất đơn giản thôi như việc họp đúng giờ chẳng hạn. Khi lãnh đạo không nghiêm túc với bản thân mình thì cả tập thể sẽ không đi theo nề nếp như ý muốn. Càng lên cao thì lại càng phải nghiêm túc với bản thân mình hơn.

Những dấu hiệu nào để lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra rằng, mình đang dễ dãi với bản thân và cần phải kiểm soát mình tốt hơn?

Một trong những yêu cầu rất quan trọng của lãnh đạo là phải luôn quan sát, chủ động lắng nghe và khi đó bạn sẽ nhìn thấy được những tín hiệu. Trong một cuộc họp, chú ý quan sát, lãnh đạo sẽ đánh giá được phản ứng của đội ngũ về điều bạn nói hay những quyết định mà bạn đưa ra thông qua ánh mắt, thái độ của những người tham dự.

Nhưng lãnh đạo thường bị cuốn vào rất nhiều thứ phải lo và vì thế không có nhiều thời gian để tâm đến những điều như bà vừa nói?

Lãnh đạo bản thân không phải gì đó cao siêu màu nhiệm, đôi khi chỉ là sự chuyên nghiệp trong công việc, ý thức kỷ luật tốt và dần dần nó sẽ trở thành một thói quen. Khi đã trở thành thói quen, điều đó sẽ không còn quá khó khăn nữa, bạn sẽ làm một cách rất tự nhiên. Tất nhiên trong kinh doanh, mỗi giai đoạn sẽ có những ưu tiên khác nhau, song kỷ luật với bản thân vẫn là yếu tố nền tảng. Hãy luôn nhớ rằng, khi là lãnh đạo, đằng sau bạn là cả một đoàn tàu.

Lãnh đạo có một vai trò rất quan trọng là khơi gợi, truyền cảm hứng. Để lãnh đạo được bản thân, có lẽ họ cũng phải làm được điều đó với chính mình?

Đúng vậy. Vì bản chất lãnh đạo họ là người ảnh hưởng và truyền cảm hứng đến đội ngũ bên dưới nên họ phải tự tạo động lực cho chính mình. Với cá nhân, tôi cũng luôn tâm niệm và chia sẻ với các cán bộ lãnh đạo cấp dưới rằng, vì mình là người đứng đầu, nên trong mọi vấn đề gặp phải, nếu nghĩ mình không thực hiện được và buông xuôi thì đã là thua cuộc ngay từ khi chưa bắt đầu rồi, bởi vậy với tâm thế của một người lãnh đạo, cần luôn biết cách biến nguy cơ thành cơ hội. Biết cách tự động viên mình rất quan trọng, bởi bản thân lãnh đạo có hào hứng thì họ mới truyền được cảm hứng đến đội ngũ nhân viên.

Bà có thể chia sẻ rõ hơn về cách thức mà một lãnh đạo có thể rèn luyện cách lãnh đạo bản thân mình?

Chúng ta có thể bắt đầu từ những điều rất đơn giản như việc quản lý thời gian, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Bên cạnh đó, đề ra mục tiêu và thực hiện mục tiêu cũng rất quan trọng. Mục tiêu và tầm nhìn của bạn sẽ quyết định đích đến cũng như đường đi của cả đoàn tàu. Sau khi đặt mục tiêu, cũng cần biết cách chia nhỏ mục tiêu và giám sát mục tiêu để đảm bảo mục tiêu đặt ra sẽ được thực hiện.

Và cũng cần phải biết chia sẻ mục tiêu xuống bên dưới?

Đúng vậy, điều này cũng cần thiết để các phòng ban, đội ngũ bên dưới hiểu được mục tiêu chung và tự xây dựng những mục tiêu riêng nhằm cùng nhau hoàn thành mục tiêu chung của doanh nghiệp. Ngoài ra, lãnh đạo cũng cần thường xuyên chia sẻ, cập nhật việc thực hiện mục tiêu đến với các thành viên, từ đó có những biện pháp để khuyến khích, động viên họ.

Bước ra khỏi “vùng thoải mái”

Trong quá trình tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, bà nhìn thấy những điểm yếu nào?

Điểm đầu tiên rất dễ nhìn thấy là sự xuề xòa. Đa phần các doanh nghiệp đều đi lên từ doanh nghiệp nhỏ hoặc các công ty mang tính gia đình nên lãnh đạo cũng khá dễ dãi với bản thân. Điểm thứ hai là sự thiếu chuyên nghiệp, điều này sẽ làm cho họ khó phát triển doanh nghiệp đến những cấp độ cao hơn.

Nhưng nhiều chủ doanh nghiệp thấy rằng, dù chưa cần phải chuyên nghiệp lắm thì doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, vẫn tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Điều đó khiến họ cảm thấy chưa cần phải thay đổi. Quan điểm của bà như thế nào? 

Điều này liên quan đến tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Quan trọng là họ muốn doanh nghiệp của mình sẽ trở thành như thế nào trong 3 – 5 năm, thậm chí là 10 năm nữa. Có nhiều lãnh đạo đã thỏa mãn với những gì mình đạt được và cho rằng, tương lai của họ cũng chỉ cần như vậy thôi. Nhưng những công ty lớn mạnh thường sẽ có tầm nhìn rất xa về vị thế và mục tiêu của công ty trong 10 – 20 năm nữa và chuẩn bị nhiều điều để tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai, trong đó có việc xây dựng văn hóa làm việc chuyên nghiệp. Còn nếu tầm nhìn xa, nhưng bản thân họ không tự quản lý được mình thì đến một lúc nào đó, mọi thứ sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Việc bản thân lãnh đạo doanh nghiệp không thay đổi trong bối cảnh môi trường kinh doanh liên tục thay đổi cũng là một rủi ro rất lớn. Tôi chỉ xin nhấn mạnh lại một điều rằng, lãnh đạo nghĩa là mọi người khác sẽ luôn nhìn vào mình, vì thế hãy luôn là tấm gương cho đội ngũ nhân viên. Mặc dù biết điều đó nhưng thường lãnh đạo cũng rất… dễ quên, bởi xét dưới một góc độ nào đó, họ cũng chỉ là một người bình thường.

Bà làm tôi nghĩ đến một thuật ngữ gọi là “vùng thoải mái”. Có phải nhiều khi lãnh đạo doanh nghiệp cũng rơi vào “vùng thoải mái” đó?

Đúng vậy. Nhưng khi đã là một lãnh đạo thì anh cần phải chấp nhận rằng, mình sẽ không thể sống và ứng xử hoàn toàn như một người bình thường được nữa. Tinh thần này cũng nên được truyền xuống những cấp lãnh đạo bên dưới.

Có một câu nói về việc lãnh đạo bản thân của lãnh đạo là: “Nếu một người không thể là người lãnh đạo cho chính bản thân mình, nhưng lại lãnh đạo người khác thì đó là một việc làm quá táo bạo. Nếu anh không biết cách lãnh đạo chính mình, người khác sẽ làm điều đó”. Quan điểm của bà như thế nào?

Tôi khá đồng thuận với quan điểm này. Với những cấp độ lãnh đạo thấp hơn, nếu không lãnh đạo được bản thân mình mà vẫn có thể trở thành lãnh đạo thì đó chỉ là sự may mắn tạm thời thôi, còn về lâu dài chắc chắn anh sẽ rất khó lòng dẫn dắt tổ chức đi lên.

Xin cảm ơn bà.

Nguồn: Doanh Nhân

 

Các tin khác

  1. Các nhà sáng lập, hãy thuê CEO nếu như bạn chưa đủ tài giỏi!
  2. Đừng để thành kiến trong tuyển dụng khiến bạn có những quyết định không công bằng!
  3. Nhà điều hành Facebook chỉ cần 1 câu hỏi phỏng vấn để ngay lập tức khai thác hết phẩm chất của ứng cử viên
  4. 11 bước giải quyết mâu thuẫn trong đội nhóm
  5. 6 bước dẫn lối nhà lãnh đạo quản trị sự thay đổi
  6. Đừng sợ mâu thuẫn trong doanh nghiệp
  7. Đội ngũ sales thế hệ 9x, tuyển và giữ ra sao?
  8. Này sếp trẻ, bạn định trợ giúp cấp dưới đến khi nào?!
  9. Xây dựng chương trình thực tập trong doanh nghiệp
  10. Giữ người tài ở start-up làm sao cho đúng?