Văn hoá doanh nghiệp: Mới chỉ đóng khung treo tường

Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu và biết cách xây dựng văn hoá doanh nghiệp, từ công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các tập đoàn lớn. Phần lớn đều đề ra nhiều giá trị cốt lõi, đưa lên các bảng, khẩu hiểu nhưng lại chỉ đang treo, trưng bày cho đẹp, còn thực tế chưa thực hiện được.

Đó là vấn đề khá lớn của các doanh nghiệp Việt được ông Robert Trần, Giám đốc điều hành tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương chỉ ra trong một cuộc trao đổi mới đây với TheLEADER. 

Ông Robert Trần cho rằng, giá trị cốt lõi được nhiều doanh nghiệp đóng khung treo tường nhưng lại không hiểu được giá trị cốt lõi thực sự của doanh nghiệp là gì, hoặc dù có hiểu thì cũng không biết cách thực hiện hoặc hành xử sai.

“Nhiều chủ ngân hàng tôi gặp nói giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là sự chính trực. Khẩu hiệu là như vậy nhưng hành xử của lãnh đạo có thực sự chính trực hay không, hành xử chính trực đó hàng ngày thế nào để nhân viên học theo, còn lãnh đạo nói chính trực mà nhân viên chỉ thấy mệnh lệnh không thôi thì cũng vô nghĩa”, nhà tư vấn này nói.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE cũng cho rằng, văn hoá doanh nghiệp là những thứ vô hình nhưng được thể hiện qua những hành động hữu hình, những điều đơn giản nhất. 

Nhiều doanh nghiệp khát khao và thật tâm xây dựng văn hoá doanh nghiệp nhưng đa số vẫn chỉ đang hô khẩu hiệu và chưa thành công do chưa hiểu biết thấu đáo về văn hoá và vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; thiếu tầm nhìn và giấc mơ rõ ràng về văn hoá; thiếu phương pháp và giải pháp để xây dựng văn hoá; và thiếu nỗ lực, kiên trì và bền bỉ.

Ở Việt Nam, theo ông Robert Trần, Vingroup là một trong số ít doanh nghiệp làm được điều này và làm khá tốt. 

Vingroup đặt ra bộ giá trị cốt lõi gồm sáu chữ “tín – tâm – trí – tốc – tinh – nhân” mà từ lãnh đạo đến nhân viên đều hướng tới như kim chỉ nam cho mọi hoạt động nhằm mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam và hướng đến một tập đoàn mang đẳng cấp quốc tế.

Chuyên gia này cho rằng, muốn xây dựng văn hoá doanh nghiệp phải có lộ trình chứ không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Điều quan trọng là có biết cách làm hay không.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, văn hoá doanh nghiệp xuất phát từ người sáng lập, việc định hình văn hoá doanh nghiệp khá dễ và có thể thực hiện được từ đầu nhưng cần thực tế hơn. 

Các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động cần làm gọn hơn, hiểu được giá trị cốt lõi mà người lãnh đạo nói riêng cũng như doanh nghiệp nói chung muốn theo đuổi.

Đối với nhiều lãnh đạo, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp phải thực hiện một cách bài bản, có đào tạo, có tầm nhìn và sứ mệnh. Nhưng ông Robert Trần lại cho rằng, văn hoá là một thứ rất đơn giản, không cần quá xa vời. Đôi khi chỉ cần một từ cũng toát lên được cái hồn của doanh nghiệp và có thể trả lời cho câu hỏi “Điều gì giúp công ty thành công đến ngày hôm nay?”

Chẳng hạn, nếu câu trả lời là uy tín thì phải xác định rõ uy tín là gì. Lãnh đạo đã nói với nhân viên, với khách hàng như thế nào thì phải thực hiện như vậy để nhân viên thấy được sự thống nhất trong lời nói và hành xử của lãnh đạo

“Hành xử liên tục tạo thành thói quen, chạy vào trong não và theo một cách tự nhiên sẽ được truyền đến những người khác trong doanh nghiệp”.

Nhiều công ty đưa ra giá trị cốt lõi là uy tín, song mỗi chủ doanh nghiệp sẽ có quan niệm khác nhau nên thành ra không có uy tín nào giống uy tín nào.

Văn hoá là của chính doanh nghiệp, là thứ duy nhất dựa trên cách hiểu, cách thực hiện chứ không phải đi sao chép của một ai khác về làm khẩu hiệu.

“Nhiều người vẫn nói về xây dựng doanh nghiệp bền vững. Bền vững là phải từ tâm, từ suy nghĩ chứ không phải bền vững về hình thức. Trong suy nghĩ không có sự bền vững thì làm sao đưa doanh nghiệp phát triển bền vững được”, ông Robert Trần nhìn nhận.

“Ngay cả chủ doanh nghiệp lớn cũng cần xem lại. Nhiều doanh nghiệp có rất nhiều giá trị cốt lõi, đóng khung treo trên tường cho đẹp. Đừng làm như vậy, chọn ra một cái thôi cũng đủ rồi”, ông Robert Trần nói thêm.

Lấy ví dụ của Walt Disney, nhà tư vấn này chỉ ra giá trị cốt lõi được xây dựng trên một chữ “magical”, tức là kỳ diệu. Chữ này đại diện cho trái tim, linh hồn, tinh thần của công ty, chứa đựng những cảm xúc khó nắm bắt mà họ muốn khách hàng cảm nhận được. 

“Chỉ một từ này đã làm nên toàn bộ Walt Disney ngày hôm nay, tồn tại và phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới sau một thế kỷ”.

Chính vì thế, ông Robert Trần cho rằng, không nên quá lý thuyết và cũng không nên làm cho văn hoá doanh nghiệp hay giá trị cốt lõi của doanh nghiệp trở nên quá ghê gớm. 

Nguồn: TheLeader

 

Các tin khác

  1. Thương Hiệu Cá Nhân: Chìa Khóa Mở Cửa Thành Công
  2. Xu hướng tuyển dụng đang thay đổi như thế nào để phù hợp với thị trường định hướng ứng viên hiện nay?
  3. 6 Cách Để Giải Quyết Xung Đột Trong Công Việc
  4. Làm Sếp Cũng Phải Học: Cho Nhân Viên Nghỉ Việc Thì Dễ, Khiến Nhân Viên Nể Phục Chỉ Người Thông Minh, Khéo Léo Mới Biết Cách
  5. 5 Nguyên Tắc Trong Việc Tuyển Dụng Những Nhân Viên Đầu Tiên
  6. Social Proof là gì? Tầm quan trọng của Social Proof với các Recruitment Agency.
  7. Thế Hệ Z Sẽ Thay Đổi Nơi Làm Việc Trong Tương Lai Như Thế Nào?
  8. Điều Gì Thực Sự Giữ Chân Nhân Viên Giỏi Ở Lại Công Ty?
  9. Chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp phù hợp “Kỷ nguyên số”
  10. Động Viên Nhân Viên Qua Thiết Kế Công Việc