Khi Nào Nên Tăng Giá Bán Hàng?

Người tiêu dùng thường có khuynh hướng chi nhiều tiền hơn cho những sản phẩm hoặc dịch vụ nào ẩn chứa đầy đủ những yếu tố gợi sức tò mò và thôi thúc họ.

 

 

Hãy thử nghĩ xem tại sao ly cà phê Starbucks hay xe hơi Rolls-Royce được bán với giá cao hơn những sản phẩm khác cùng loại.

Rõ ràng, Starbucks không chỉ đơn giản là một ly cà phê và Rolls-Royce cũng không đơn giản là một chiếc xe hơi.

Tính chất đặc biệt của hai loại sản phẩm được chọn làm ví dụ đó dù bổ sung rất ít đến giá trị sử dụng của hàng hóa, song lại ảnh hưởng đáng kể đến giá bán.

Do đó, các nhà hoạch định chiến lược kinh doanh cần suy xét một cách sáng tạo khi bắt tay vào việc đánh giá sản phẩm – một trong bốn trụ cột của nền tảng marketing – và kiểm nghiệm theo nhiều mức giá bán khác nhau.

Nếu càng sớm xóa bỏ được mô hình định giá hàng bán truyền thống vốn kém linh hoạt và hiệu quả thấp thì bạn càng dễ dàng trong việc bán nhiều sản phẩm cho những khách hàng khá giả và gia tăng được lợi nhuận. Đừng ngần ngại tăng giá bán hàng nếu bạn đã tập trung công sức vào ba điều đặc biệt dưới đây.

Chủ động nhắm đến đối tượng khách hàng khá giả

Các khách hàng tùy theo túi tiền của họ mà chọn mua hàng hóa theo các mức giá rất khác nhau, ai càng có nhiều tiền thì càng dễ tính trong việc mua hàng có giá cao.

Người phụ nữ trong gia đình có thu nhập cao thường ngần ngại mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ, mà tìm đến các siêu thị, mặc dù biết rõ giá cả hàng hóa ở đó khá cao.

Một yếu tố khác cũng đáng chú ý là các bậc cha mẹ thường chi tiêu cho đứa trẻ đầu lòng nhiều hơn đứa trẻ thứ hai.

Vì thế, bạn có thể nâng giá bán nếu đang kinh doanh nhóm mặt hàng mới  dành cho những cặp vợ chồng mới cưới và trông chờ đứa con đầu lòng.

Doanh nghiệp có sức hấp dẫn trên thị trường

Đôi lúc, chính người cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ lại tạo nên sự khác biệt trong mắt người mua hàng.

Danh tiếng thương hiệu, khả năng tài chính ổn định và vị trí tiên phong trên thị trường ngày càng trở thành thứ tài sản có giá trị cao hơn. Và giúp các doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành công hơn trong cạnh tranh.

Khách hàng thường thích đến những nhà hàng được nhiều người nhắc đến, cho dù họ biết giá các món ăn ở đó cao hơn hẳn so với món ăn giống hệt có ở những nhà hàng “thường thường bậc trung” khác.

Còn trong lĩnh vực tài chính, khách hàng lại chọn lựa những ngân hàng có uy tín cao để gửi tiền tiết kiệm hoặc nhờ cậy các dịch vụ khác của họ.

Nếu là người đứng đầu doanh nghiệp, mục tiêu quan trọng nhất mà bạn phải luôn theo đuổi là giúp cho doanh nghiệp của mình luôn là điểm thu hút nhất, có nhiều khách hàng nhất trong lĩnh vực hoạt động chủ yếu.

Sau khi nâng cấp môi trường mua sắm

Môi trường mua sắm chính là khu vực bán hàng, nơi các nhân viên bán hàng trực tiếp chào hàng. Nó có vai trò rất quan trọng đến quyết định mua hàng của khách hàng.

Giá cả một bộ trang phục được bày bán tại một cửa hàng nhỏ, có lối bài trí không bắt mắt thường thấp hơn hẳn so với bộ trang phục tương tự được bày bán tại các boutique cao cấp và danh tiếng trong các trung tâm thương mại giữa trung tâm thành phố.

Vì tại đó, giá cả đã chịu sự chi phối bởi những kỳ vọng của người tiêu dùng (muốn sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và trải nghiệm sự phục vụ chuyên nghiệp của người bán hàng).

Do đó, nên định kỳ thay đổi cách thức trưng bày hàng hóa, cách giới thiệu hàng hóa nhằm mục đích thuyết phục khách hàng về giá trị đặc biệt mà hàng hóa của bạn có được, nhờ đó họ mới sẵn sàng bỏ tiền ra mua.

Ví dụ, nên nhờ các nhà thiết kế nội thất thay đổi kết cấu và hình ảnh của cửa hàng từ nhỏ bé, vụn vặt sang chuyên nghiệp, bắt mắt, còn nhân viên từ chỗ “ai thích gì mặc nấy” chuyển sang đồng phục đẹp, trịnh trọng.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tăng được giá bán lên vài chục phần trăm mà không cần thay đổi sản phẩm hay dịch vụ cốt lõi, trong khi đó khách hàng vẫn cho rằng mình trả tiền nhiều hơn là có lý. Bí quyết của họ rất đơn giản: nâng cấp môi trường mua sắm!

Nguồn: Doanhnhanplus.vn
  1. Chia sẻ  

Xem các tin khác

  1. Bản Lĩnh Và Thành Công Hơn Nhờ “Cách Mặc”
  2. Lý Do Thực Sự Tại Sao Người Tìm Việc Không Được Phản Hồi
  3. Giữ Chân Khách Hàng
  4. Mạng Xã Hội, Nơi Làm Giàu Của Người Nổi Tiếng
  5. Đây Là Bài Học Đắt Giá Nhất Từ Sự Thất Bại Mà Bạn Phải Học
  6. Bạn Muốn Tạo Ấn Tượng Đầu Tiên Tuyệt Vời Trong Công Việc Mới Của Bạn? Dưới Đây Là 4 Điều Mà Mọi Ông Chủ Đều Muốn Nghe
  7. 3 Kiểu Nhân Viên Khiến Lãnh Đạo Ghét Nhất
  8. 8 Điều Cải Thiện Danh Tiếng Công Việc Của Bạn
  9. Cách Đối Phó Với Ngày Chủ Nhật Kinh Hoàng
  10. 5 Thói Quen Sẽ Cải Thiện Cuộc Sống Của Bạn

Tìm công việc mơ ước