Cách Nhận Diện Người Tài

Doanh nghiệp nào chẳng muốn sở hữu những nhân viên tài năng, những người có phẩm chất và kỹ năng nghề nghiệp vượt trội mà chính hồ sơ lý lịch của họ không thể bao quát hết. Xác định được người tài và giữ họ làm việc lâu dài tại doanh nghiệp là điều rất nên làm. Muốn vậy, trước hết các nhà quản trị phải trả lời được câu hỏi: Người tài, họ là ai?

Họ chẳng màng đến bảng miêu tả công việc

Cho dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực phức tạp hay đơn giản, người tài luôn có khả năng thích ứng nhanh chóng với môi trường làm việc và biết rõ những điều cần ưu tiên làm trước, không ngại khó, sẵn sàng làm mọi việc và hoàn thành thật tốt phần việc được giao.

Chẳng hạn, khi một dự án quan trọng đang rơi vào tình trạng nguy kịch, người tài biết rõ vấn đề gì phải giải quyết ngay mà không cần được chỉ đạo, hướng dẫn của ai và bắt tay vào làm, dù đó không phải là trách nhiệm của mình.

Họ lập dị

Nhân tài thường tỏ ra hơi khác người, đôi khi có tác phong hơi kỳ quặc, có lúc ung dung tự tại, có lúc lầm lỳ, nhưng nói chung không làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Những tính cách lạ thường của họ có khả năng tạo nên sự đổi mới, tạo không khí vui tươi trong công việc và chuyển một nhóm làm việc nhàm chán, tầm thường thành một tập thể nhỏ có nhiều sắc màu riêng và làm việc luôn đạt hiệu quả cao.

Họ biết khi nào nên dừng lại

Khi một chướng ngại vật lớn xuất hiện hoặc tình thế trở nên căng thẳng hơn, người tài sẵn sàng ngừng thể hiện tính cách của mình và thích ứng hoàn hảo trong môi trường làm việc có những đòi hỏi mới. Họ biết rõ lúc nào có thể vui đùa và lúc nào phải nghiêm túc, cẩn trọng cũng như khi nào phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc, khi nào cần sáng tạo, khi nào phải tiến lên, khi nào cần lùi lại. Đó là khả năng tính toán cân bằng không phải ai cũng có được.

Họ thành thật nói ra những giá trị và ca ngợi người khác trước đám đông

Lời khen ngợi bao giờ cũng rất lọt lỗ tai, nhưng quan trọng nhất là nó phải thành thật. Người tài là người biết đánh giá những điều hay lẽ phải và thường nói rõ điều đó trước mọi người, đồng thời không quên kết nối giá trị tốt đẹp đã nói ra với cá nhân nào đó.

Họ lên tiếng khi những người khác im lặng

Nhiều nhân viên thường ngần ngại phát biểu trong các cuộc họp. Người tài có một cảm giác thiên bẩm đối với các hoàn cảnh khác nhau, thấy được cái “chốt” của vấn đề nên khi những người khác còn chưa xác định được điều cốt lõi hoặc chưa thể nhìn ra hướng giải quyết thì họ vẫn dám lên tiếng, có khi chỉ là nêu ra vài câu hỏi, có lúc khơi gợi những điều mà ít người để ý tới.

Họ thích chứng minh sự sai sót

Người tài có vốn kiến thức khá sâu rộng, có kỹ năng thực hành, biết tự tích lũy nhiều kinh nghiệm nên thường phát hiện ra ngay những sai sót trong công việc. Nếu ai cố gắng bao biện hoặc phản bác, họ sẽ chứng minh cho được sai sót đó vì điều quan trọng đối với họ là thái độ rõ ràng trước cái đúng, cái sai.

Họ luôn muốn cải tiến

Một số người rất ngán ngại khi cần thay đổi điều kiện làm việc nhưng người tài thì không. Họ luôn thích thú trước những cơ hội đổi mới và luôn tìm cách tái thiết, thay đổi, cải thiện, cắt bỏ, bổ sung… nhằm hướng tới kết quả mới tốt đẹp hơn trước, không hề có ý để làm đẹp lòng cấp trên hay vì lợi ích cá nhân.

Nguồn: Doanhnhanplus

 

Các tin khác

  1. Bạn Có Quên Việc Đo Lường Phúc Lợi Của Nhân Viên?
  2. Lãnh Đạo Bằng Thấu Cảm
  3. Tại Sao Khả Năng Phục Hồi Nhân Viên Là Tương Lai Của Công Việc?
  4. Quản Lý Vi Mô: Lãnh Đạo Nên Có "Cái Đầu Lạnh"
  5. Bạn Muốn Giữ Những Nhân Viên Giỏi Nhất Của Mình Không Rời Đi? Hãy Hỏi Họ 5 Câu Hỏi Này
  6. Người Sáng Lập Và “Ẩn Phí” Của Sự Thành Công
  7. Làm Thế Nào Các Nhà Lãnh Đạo Xây Dựng Môi Trường Làm Việc Bình Tĩnh
  8. Phân Tích Thực Tế Trong Quá Trình Tuyển Dụng
  9. Cách Để Các Nhà Lãnh Đạo Có Thể Phát Hiện Ra Điểm Mù Của Bản Thân Trong Các Quyết Định Tuyển Dụng
  10. Công Nghệ AI Trong Nhân Sự: Chào Mừng Bạn Đến Với Tuyển Dụng Thế Kỷ 21